Tiên Lãnh là xã miền núi của huyện Tiên Phước, cách trung tâm huyện khoảng 25 km về phía tây, tây - nam. Phía đông và phía nam giáp xã Tiên Ngọc, phía tây nam giáp xã Trà Đốc (Bắc Trà My), phía bắc giáp xã Thăng Phước (Hiệp Đức), phía tây giáp xã Phước Gia (Hiệp Đức). Diện tích tự nhiên 7.490,11ha, dân số là 6.432 người.
Trải qua các cuộc kháng chiến, nhân dân Tiên Lãnh tự hào là mảnh đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng. Ngày 15 tháng 7 năm 1947, Tổ Đảng Bắc Sơn (tiền thân của Đảng bộ xã Tiên Lãnh ngày nay) được thành lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân xã nhà đã đoàn kết, thống nhất, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu, ngày 8 tháng 11 năm 2000, được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Tiên Lãnh có địa bàn chiến lược hết sức quan trọng về Quân sự, chính trị và kinh tế của cách mạng Tiên Phước, của tỉnh Quảng Nam và khu V. Nhân dân Tiên Lãnh đã trải qua các thời kỳ lịch sử không chịu khuất phục trước sức mạnh tàn bạo của các thế lực ngoại xâm, nội phản như: Giặc Tàu, thực dân Pháp, Đề Quốc Mỹ, Bọn liên quân, bọn tay sai bán nước. Ngược lại nhân dân Tiên Lãnh luôn kiên cường chống giặc để tạo dựng cuộc sống tốt đẹp bảo vệ nền độc lập dân tộc. Từ khi Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 nhân dân Tiên Lãnh nhanh chóng tiếp cận ánh sáng của Đảng đưa cuộc đấu tranh cách mạng của địa phương theo đường lối cách mạng vô sản, cùng cả nước, cả tỉnh, cả huyện làm nên cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công.
Ngày 01/9/1858 khi liên quân Pháp- Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam đến thế kỷ thứ 19. Trước giã tâm của lực lượng quân thù, nhân dân Tiên Lãnh tích cực đóng góp sức người, sức của, tinh thần yêu nước của nhân dân Tiên Lãnh được phát huy hết mức. Bọn thực dân đế quốc chúng cấu kết với phong kiến ở trong nước ra sức vơ vét của cải, từ đó đời sống nhân dân Tiên Lãnh vô cùng đói khổ. Năm 1930 dân số Tiên Lãnh gần 1.000 người, 70% là nông dân làm thuê (chủ yếu là làm ruộng) và nộp 50% hoa lợi cho địa chủ (đi làm lúc 3-4 giờ sáng và về nhà lúc gà lên chuồng 6 giờ tối). Ngoài ra còn bị sai khiến phục dịch cho địa chủ như xay lúa, giã gạo, chặt củi, đốt than…khi có yêu cầu. Làm được lúa, làm ra tiền thì phải đóng thuế đinh, thuế điền và nhiều loại thuế khác (như thuế lâm thổ sản, thuế săn bắn thú rừng, thuế buôn chuyến) không trường hợp nào được tha thuế cho dù ốm đau, nghèo đói hay mất mùa. Từ đó đói kém, đau ốm, nạn tô thuế, cho vay nặng lãi của cường hào, phú nông khiến đời sống nhân dân từ nạn đói trở nên cùng cực, bần hàn hơn, song song với đó đói nghèo, nạn mù chữ trong nhân dân, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội và với chính sách cai trị của thực dân phong kiến làm cho đời sống của nhân dân vô cùng cùng cực. Với tinh thần không chịu khuất phục của nhân dân Tiên Lãnh ở đâu có áp bức thì ở đó có đấu tranh, càng tủi nhục về tinh thần càng thôi thúc lòng yêu nước, yêu quê hương và căm thù giặc trong mỗi người dân Tiên Lãnh càng mạnh mẽ hơn. Từ đó phong trào đấu tranh trong nhân dân nổ ra, mở đầu là phong trào do Phạm Văn Cữu tổ chức chỉ huy (Dòng họ Phạm Văn chưa rõ nguồn gốc từ đâu đến lập nghiệp tại Vĩnh Thế từ năm Minh Mạng thứ 13 (1832), buộc chính quyền phong kiến trả lại ruộng đất cho nhân dân từ đó ý thức nhân dân về đấu tranh được lan rộng, chính quyền thực dân phong kiến vô cùng lo sợ, không dám ức hiếp nhân dân. Phong trào chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai lan rộng trong phạm vi cả huyện. Năm 1943 Tổ Việt Minh Thạnh Bình (Tiên Cảnh ngày nay) cử 02 ông Phạm Bằng và Huỳnh Toản đến Tiên Lãnh để vận động tuyên truyền tập hợp quần chúng, mượn nhà ông Nguyễn Trước để làm cơ sở dệt và liên lạc xây dựng phong trào. Các ông Võ Tấn Kinh, ông Nguyễn Học, ông Nguyễn Ngọc trở thành hội viên tích cực cùng với các hoạt động trên địa bàn huyện, trên địa bàn xã Tiên Lãnh ngày 19 tháng 8 năm 1945 các hội viên Việt Minh Tiên Lãnh gồm các ông Nguyễn Ngọc, ông Võ Tấn Kinh, ông Nguyễn Học tổ chức và lãnh đạo nhân dân kháng chiến, các lực lượng thủ lĩnh thanh niên do ông Phùng Chinh trực tiếp lãnh đạo quần chúng khởi nghĩa, buộc chính quyền giải tán và bàn giao cho cách mạng. Tiên Lãnh cùng với huyện nhà góp phần giành thắng lợi của cách mạng tháng 8 năm 1945. Xóa bỏ áp bức bóc lột, đưa nhân dân Tiên Lãnh bước vào giai đoạn mới. Tháng 4 năm 1947 đồng chí Nguyễn Kiên cán bộ Tỉnh và đồng chí Nguyễn Uyên cán bộ Huyện ủy đến Tiên Lãnh cấp tài liệu: “Cuộc cách mạng tư sản Dân quyền” cho 05 cán bộ chủ chốt của xã học tập, sau đợt chính trị quan trọng này, nhận thức về Đảng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân Tiên Lãnh chuyển biến rõ nét, tích cực. Trên cơ sở đó: Ngày 17 tháng 5 năm 1947 lần đầu tiên trên đất Tiên Lãnh Huyện ủy tổ chức kết nạp Đảng cho 03 quần chúng trung kiên gồm: ông Nguyễn Trước, ông Trần Châu và ông Huỳnh Phước (tức đồng chí Huỳnh Văn Đào) đây là 03 đảng viên đầu tiên của Tiên Lãnh cùng các đồng chí Nguyễn Chúng đơn vị QB 150, đồng chí Nguyễn Soạn đảng viên trại sản xuất Hoàng Hữu Nam, để thành lập tổ Đảng, lấy tên là Tổ Đảng Bắc Sơn ( Đây là tiền thân của Đảng bộ xã Tiên Lãnh). Qua thẩm định lịch sử Đảng bộ xã Tiên Lãnh, giai đoạn 1858-1975 và 1975 - 2015 BCH Đảng bộ xã, Hội đồng cố vấn xã và Hội đồng thẩm định lịch sử của huyện Tiên Phước thống nhất lấy ngày 15/7/1947 làm ngày Thành lập Đảng bộ xã Tiên Lãnh.
Vào ngày 27 tháng 10 năm 1961 dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ xã nhân dân Tiên Lãnh đứng lên giành độc lập và xã nhà được giải phóng tạo niềm tin vững chắc trong nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Từ khi thành lập Đảng bộ xã đến nay Đảng bộ xã Tiên Lãnh trãi qua 32 kỳ đại hội, từ số lượng Đảng viên ít, ban đầu là tổ đảng, chi bộ trực thuộc huyện ủy Tiên Phước thì đến nay Đảng bộ xã không ngừng tăng lên về số lượng lẫn chất lượng. Năm 2022 Đảng bộ có 11 chi bộ trực thuộc với 137 đảng viên. Trong 75 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh và Bác Hồ kính yêu, đồng thời sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng bộ huyện Tiên Phước, Đảng bộ xã Tiên Lãnh đã lãnh đạo cán bộ, quân và dân Tiên Lãnh giành được nhiều thắng lợi, nhân dân luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng. Nhiều cán bộ đảng viên tiêu biểu như Trần Châu, Võ Nhiên, Võ Côn, Trần Môn, Nguyễn Văn, Huỳnh Cự, Đồng Tường đã góp vào sự thành công chung của xã nhà. Các phong trào ngày càng phát triển, nhân dân đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến như: phong trào trong nhân dân hưởng ứng Tuần Lễ Vàng (Bà Phùng Thị Nẫm đem nhẫn cưới ủng hộ cho cách mạng, mẹ Lê Thị Soai có 01 con là cán bộ và duy nhất hi sinh được nhà nước phong tặng mẹ VNAH, số thương Binh hiện nay còn sống 21 đồng chí, bệnh binh 29 đồng chí, Mẹ VNAH đã hy sinh, từ trần 25 mẹ, tù đày 10 đồng chí, có công cách mạng 13 đồng chí, con đẻ người có công giải quyết chế độ chất độc hóa học 03 người; số liệt sỹ hi sinh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc là 152 Liệt sỹ, nhiều đảng viên, cán bộ, quân và dân Tiên Lãnh có những chiến công oanh liệt góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng mùa xuân 30 tháng 4 năm 1975, Bắc - Nam sum họp một nhà, nhân dân ta được độc lập, tự do như Bác Hồ kính yêu hằng mong ước. Với những kết quả đạt được ngày 8 tháng 11 năm 2000 Đảng bộ, cán bộ, đảng viên, LLVT và nhân dân xã Tiên Lãnh được vinh dự đón nhận huân chương AHLLVTND do Đảng và nhà nước trao tặng và nhiều huân huy chương, bằng khen, giấy khen do Trung ương, tỉnh, huyện trao tặng. Vào ngày 11 và 12 tháng 6 năm 2020 Đảng bộ xã Tiên Lãnh đã tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXXII, nhiệm kỳ 2020-2025. Đại hội đã bầu ra 15 đồng chí Ban chấp hành, BCH đã bầu ra 03 đồng chí Ban thường vụ; bầu chức danh Bí thư, Phó Bí thư và bầu 05 đồng chí UBKT Đảng ủy có đủ phẩm chất, năng lực để lãnh, chỉ đạo thắng lợi Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.
Đảng bộ và nhân dân Tiên Lãnh đoàn kết, sáng tạo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, phát huy mạnh mẽ truyền thống quê hương. Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền và nhân dân chung sức, đồng lòng khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất và ổn định đời sống. Đến nay kết cấu hạ tầng được đầu tư như: Điện thắp sáng, đường giao thông, cơ sỏ vật chất trường học, trạm y tế… làm cho diện mạo xã nhà ngày càng khởi sắc; đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp- thương mại và dịch vụ, tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế với thế mạnh của xã là về con người và đất đai để phát triển Kinh tế vườn, kinh tế trang trại theo Nghị quyết 35 của Hội đồng nhân dân tỉnh gắn với du lịch sinh thái làng quê; lĩnh vực văn hóa xã hội có bước phát triển toàn diện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, quốc phòng, an ninh được giữ vững, hệ thống chính trị thường xuyên cũng cố, kiện toàn và đổi mới nhằm đáp ứng nhiệm vụ chính trị đề ra. Ngày 17 tháng 8 năm 2016 xã Tiên Lãnh phát động xây dựng xã Nông Thôn mới, Tiên Lãnh bước vào chặn đường xây dựng xã Nông Thôn mới, đạt được kết quả đáng khích lệ, đến nay xã đạt 09 tiêu chí và 10 tiêu chí tiệm cận đạt, xây dựng khu dân cư số 2 Nông Thôn mới kiểu mẫu và xã về đích Nông Thôn mới vào năm 2022. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 5%. Hôm nay tất cả chúng ta thật sự xúc động nhìn lại những khó khăn, thách thức sau ngày giải phóng. Đảng bộ, chính quyền quân và nhân dân Tiên Lãnh có quyền tự hào vì đã tự lực, tự cường, đoàn kết vượt khó vươn lên đạt được những bước tiến dài trong phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, ổn định QPAN, nâng cao đời sống nhân dân, thành tựu đó có được là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, sự đoàn kết thống nhất, chung sức, chung lòng của toàn thể nhân dân xã nhà. Cố thủ tường Phạm Văn Đồng đã từng nói: Quá khứ chỉ được trân trọng khi hiện tại tiếp tục làm đẹp cho đời, trân trọng và tự hào về quá khứ, nhưng đồng thời mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cũng cần khách quan nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm, quán triệt những bài học kinh nghiệm đã rút ra để tiếp tục đoàn kết, thống nhất, nổ lực viết tiếp những trang sử vẻ vang của xã nhà trong thời kỳ phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!
Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta.