Tiên Lãnh là xã miền núi, nằm ở phía tây – tây nam huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Phía đông và nam giáp xã Tiên Ngọc; phía tây giáp xã Phước Gia, phía bắc giáp xã Thăng Phước (huyện Hiệp Đức), phía tây nam giáp xã Trà Đốc (huyện Bắc Trà My). Xã được chia thành 12 thôn, do đặc điểm về địa hình nên mật độ dân số phân bố không đồng đều. Tổng dân số toàn xã là 6394 người.
Cầu treo xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước
Xã Tiên Lãnh có diện tích tự nhiên 7.490,11 ha. Bao gồm: Đất giành cho sản xuất nông nghiệp gần 595 ha, trong đó ruộng lúa hơn 216 ha; đất lâm nghiệp chiếm gần 5.439 ha, trong đó diện tích rừng phòng hộ hơn 2.757 ha; đất phi nông nghiệp gần 871 ha, trong đó đất ở hơn 175ha và đất chuyên dùng khác gần 427ha.
Địa hình xã Tiên Lãnh khá phức tạp, núi rừng chiếm hơn 2/3 diện tích, vừa bao bọc chung quanh vừa chạy dọc giữa địa bàn xã theo hướng Tây nam – đông bắc làm chia cắt mạnh địa hình. Nơi đây có nhiều đỉnh núi cao, như Hòn chè (1.003m), Bằng Gia (1.000m). Ngoài ra, các đỉnh khác như Hòn Om nằm ở hướng Bắc, Dương Thờ nằm ở hướng Tây cũng là những ngọn núi cao, núi thấp là đồi, gò. Ruộng đồng nhỏ hẹp nằm phân tán và chạy dài theo triền các chân gò đồi.
Khí hậu Tiên Lãnh mang đặc trưng chung của vùng nhiệt đới gió mùa của khu vực Đông Trường Sơn thuộc Trung trung bộ. Tiên Lãnh cũng như Quảng Nam nói chung là: Khí trời nóng nực, chiều tạnh ít mưa…Hết tháng chạp thì gió đông nổi, tiết kinh trập thì mưa xuân nhuần; gió nam mạnh về mùa hạ, gió bấc rét về mùa đông; mùa thu gió mát mà hay mưa lụt (các tháng 8,9,10 thường hay mưa, lụt), mưa đông hết lụt thì bãi sông. Nhiệt độ ở Tiên Lãnh tương đối ôn hòa, trong năm trung bình khoảng 250C, trong đó từ tháng 5 đến tháng 8 có nhiệt độ từ 26-290C từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau khoảng từ 20,50C đến 23,20C. Độ ẩm trung bình trong năm từ 250 đến 280 mm và phân bố không đồng đều giữa các tháng.
Tiên Lãnh có nhiều loại khoáng sản quý như vàng kim khoáng, meka, cao lanh…tài nguyên rừng của Tiên Lãnh khá đa dạng và phong phú. Thảm thực vật, có nhiều loại cây giá trị như: Lim, trắc, kiền kiền, chò, sến, gụ…Rừng Tiên Lãnh có nhiều loại lâm sản phụ hỗn hợp như: mây, tre, nứa, đót, đoát…là nguồn nguyên liệu dùng để sản xuất những mặt hàng mỹ nghệ có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, còn có nhiều loại cây dược liệu như trầm hương, sa nhân, sơn tra, ổi sẻ, nhàu...
Mây tre là nguồn nguyên liệu sản xuất đồ dùng mang tính mỹ thuật cao
Về động vật: Rừng núi Tiên Lãnh có nhiều loại quý hiếm như voi, hổ, báo, nai, man, heo rừng, nhím, khỉ, tê tê, hoẵng, rùa vàng, công, trĩ và các loại chim, chồn, trăn, rắn, ong...Ngoài ra, Tiên Lãnh còn có 2 con sông lớn là sông Tranh và sông Tum. Các con sông này có lưu lượng nước khá lớn, không chỉ tạo thuận lợi cho việc đi lại bằng đường thủy mà còn bồi đắp phù sa, cung cấp nguồn nước dồi dào cho việc phát triển nông nghiệp; đồng thời còn hình thành những bãi cát, sỏi để khai thác làm vật liệu xây dựng khá thuận tiện.
Tiên Lãnh còn có khá nhiều con Suối, hướng chảy chủ yếu từ Đông nam sang Tây bắc rồi đổ vào sông Tranh hoặc sông Tum. Các sông, suối ở Tiên Lãnh có nhiều loại cá, tôm, ba ba… khá đa dạng, có giá trị dinh dưỡng cao, là nguồn thức ăn thường xuyên của nhân dân, trong đó có những loại cá trở thành đặc sản của Quảng Nam được nhiều người ở địa phương khác ưa thích như cá măng, cá niên, cá chình…
Trải qua các thời kỳ lịch sử khác nhau, người dân Tiên Lãnh đã tích lũy và hình thành cho mình một truyền thống văn hóa vừa mang sắc thái riêng của vùng rừng núi, vừa phản ánh rỏ nét bản sắc văn hóa dân tộc. Dân cư Tiên Lãnh tuy có nguồn gốc và thời điểm định cư khác nhau nhưng đều có chung ý thức giữ vững tinh thần đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, cũng như đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, quyết tâm bảo vệ quê hương, đất nước.