Tính đến tháng cuối tháng 6 năm 2022 dư nợ ủy thác qua Hội phụ nữ là 18.322.900.000 đồng với 10 chương trình cho vay, 317 hộ vay vốn.
Hội tích cực làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích về lợi ích của việc gửi tiền tiết kiệm đến nay, 99% tổ viên tham gia gửi tiết kiệm với số tiền: 746.882.408 đ. Qua quản lý nguồn vốn uỷ thác tại Ngân hàng, Hội Phụ nữ đã theo dõi, kiểm tra nguồn vốn ủy thác kịp thời, tham gia bình xét, kết nạp tổ viên, nhắc nhở việc sinh hoạt của tổ theo định kỳ bằng nhiều hình thức, thông qua sinh hoạt tổ đôn đốc thu tiền gốc đúng kỳ và đúng hạn, nhắc nhở những hộ vay chậm trả lãi, ngoài ra còn phổ biến các chính sách, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tăng cường công tác tuyên truyền về Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng Chính sách xã hội và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Thường xuyên đôn đốc các Tổ tiết kiệm và vay vốn, theo dõi quản lý tổ viên, nhất là những hộ đến hạn tra gốc, tập trung xử lý kịp thời không để nợ quá hạn xảy ra, tránh tình trạng vay giùm, vay ké xảy ra. Thường xuyên lên kế hoạch trong công tác kiểm tra ở tổ và thành viên tham gia vay vốn, trong các buổi sinh hoạt tại tổ các thành viên trong tổ đã nêu cao trách nhiệm nhắc nhở lẫn nhau, chia sẽ kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi để cùng nhau sử dụng vốn có hiệu quả, mang lại thu nhập cao, để có khả năng trả lãi, hoàn trả vốn đúng hạn. Nguồn vốn vay đã tạo đà cho chị em phụ nữ nói riêng và người dân nói chung có bước dầu thuận lợi để phát triển sản xuất.
Điển hình như hộ của chị Võ Thị Y- tại thôn 2 xã Tiên Lãnh, đầu năm 2019 nhận thấy được nhu cầu thiết yếu của nguồn ra sạch tại địa phương chị đã mạnh dạn bàn bạc với gia đình đầu tư vào trồng rau cây rau Dớn. Với diện tích 1.500m2 đất vườn dọc bờ sông Tranh của gia đình chị đã không ngần ngại đầu tư vào loại rau sạch này. Đến năm 2020 do cần vốn đầu tư mở rộng nên chị đã vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tiên Phước 50.000.00đ từ chương trình cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để đầu tư trồng cây rau này mong đem lại hiệu quả nâng cao thu nhập cho gia đình. Đặc điểm của cây rau này không ưa chịu nắng và phải có nước tưới thường xuyên, vì vậy trong đợt nắng hạn trong năm 2020, nhiều tháng không có mưa, nước giếng không đủ dùng, gia đình chị khoan giếng và hệ thống nước tưới tưới, hệ thống giàn mát cho vườn rau. Do hợp với chất đất, cộng thêm sự cần cù chịu khó, chăm sóc vì vậy rau của nhà chị sinh trưởng phát triển rất nhanh. Sau một năm rau của gia đình chị đã được thu hái. Với giá trung bình 25 – 30 nghìn đồng/kg, thu hái đến đâu bán hết tới đó, không những tiêu thụ trong xã, chị còn đi tìm đầu ra cho rau; chị gởi rau ra các nơi như các nhà hàng ở Tam Kỳ, Đà Nẵng để tiêu thụ. Đến nay gia đình chị đã có gần 3.000 m2 diện tích đất trồng rau Dớn. Với số diện tích trên, thì hiện nay gia đình chị thu nhập trung bình mỗi tháng lãi tầm 5-6 triệu đồng. Theo chị chia sẽ với mức thu nhập này thì cũng có để trang trải cuộc sống gia đình, phụ chồng lo con cái học hành, chăm lo nhà cửa.
Mô hình rau Dớn của gia đình chị Y
Thêm một điển hình của gia đình chị Dương Thị Thảo tại thôn 1 xã Tiên Lãnh, năm 2019 vợ chồng chị đi làm ăn xa về quê cả hai vợ chồng có một ít vốn không đủ đầu tư làm ăn nên chị đã vay 50.000.000 từ chương trình cho vay sản xuất kinh doanh, mạnh dạn đầu tư mua máy gạo và chăn nuôi heo. Ban đầu chị đầu tư vào 3 con heo Nái và gần 30 con heo lứa. Mỗi năm trừ các chi phí về các khoản như đầu tư con giống, thức ăn, thuốc phòng bệnh trên đàn heo thì từ đàn heo thu nhập của gia đình chị lãi từ 30- 40 triệu đồng. Chị Thảo chia sẻ : “Khó khăn nhất nguồn vốn đầu tư, khi vợ chồng chị không dám đầu tư vào làm gì vì vốn quá ít, qua các cuộc họp của Hội thì thấy được các chương trình cho vay từ Ngân hàng chính sách xã hội Huyện vợ chồng chị đã thống nhất vay thêm vốn để đầu tư vào chăn nuôi đến nay cũng từ nguồn vốn này gia đình đã có thêm vốn để đầu tư làm ăn, đã vượt qua khó khăn, từng bước có cuộc sống ổn định”.
Chuồng heo của Chị Thảo thôn 1
Nhờ tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, đời sống kinh tế và tinh thần của Hội viên phụ nữ và người dân được nâng lên rõ rệt. Nhìn chung, tất cả các hộ đều sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, tiếp sức cho các gia đình có đủ điều kiện đầu tư cho con em tiếp tục đi học. Thông qua hoạt động tín dụng Hội có điều kiện quan tâm hơn đến hội viên, việc sinh hoạt Hội có nhiều nội dung phong phú, đa dạng. Trong thời gian tới Hội phụ nữ sẽ tiếp tục làm tốt công tác quản lý nguồn vốn ủy thác cho vay của Ngân hàng chính sách xã hội huyện, góp phần cùng với Chính quyền địa phương ngày giàu đẹp, phát huy những mặt đạt được, khắc phục những hạn chế duy trì và quản lý tốt nguồn vốn tín dụng chính sách.