Tại đây, trẻ được nghe giới thiệu về Mẹ Nguyễn Thị Thứ, quê xã Điện Thắng, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Mẹ có 9 người con, một người con rể và 2 cháu ngoại đã hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Để tưởng nhớ người mẹ Việt Nam Anh hùng giàu sự hy sinh, Chính phủ đã cho xây dựng và đưa vào danh sách công trình văn hóa cấp quốc gia. Với tổng thể diện tích là 150.000 m² và đã dùng 200.000 tấn đá Sa Thạch được vận chuyển từ Bình Định để làm chất liệu cho công trình này.
Địa đạo Kỳ Anh, một trong ba địa đạo lớn nhất Việt Nam (sau địa đạo Củ Chi và Vĩnh Mốc). Di tích lịch sử cấp quốc gia này là “địa chỉ đỏ” cho các em học sinh tìm hiểu biểu tượng lịch sử thể hiện ý chí và tinh thần sáng tạo vì độc lập tự do của Đảng bộ, quân và dân Kỳ Anh.
Việc tạo điều kiện cho trẻ tham quan khu di tích lịch sử tại địa phương nhằm thực hiện hiệu quả chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”; tạo cho trẻ sân chơi bổ ích và hiểu biết về tên gọi địa điểm của danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử của quê hương.
Đồng thời tạo cơ hội cho trẻ tiếp xúc, trải nghiệm với thực tế từ đó trẻ mạnh dạn, tự tin và học được các kĩ năng từ thực tế như: Kĩ năng giao tiếp, kĩ năng đi thành hàng lối, kĩ năng chơi chỗ đông người…
Qua đó phát triển khả năng ngôn ngữ, nhận thức, kĩ năng vận động cho trẻ. Phát huy tính sáng tạo, tích cực học tập và tinh thần đoàn kết trong khi tham gia các hoạt động.